8 thg 12, 2008

Kì 20 - Sự hiếu học của Bồ Nông

Cái gì đến đã đến, một ngày đẹp trời, mẹ con Bồ Nông lên đường về trường Mầm Tươi, là nơi Bồ Nông học khi lông cánh mới nhú. Sở dĩ chọn trường này là vì toàn bọn gà Nhiếp, chúng nó chưa biết online để vào forum nên ít biết đến tai tiếng họ Bồ. Hơn nữa, cũng đã lâu lắm rồi nên các thầy cô quên sạch kí ức, chả nhớ con Bồ Nông khi xưa học dốt thế nào, chỉ biết rằng giờ đây, vinh dự, tự hào cho trường được một con chim Hoa Hậu đến thăm và ủng hộ bằng tiền mặt. Cô Gà Đen (tên húy là OK) hiệu trưởng thì tặc lưỡi: "Cũng có thêm mấy triệu để lo hoạt động phong trào", còn các thầy cô khác thì mặc dù cười thầm trong bụng, nhưng vì là nhà giáo nên cũng cần tỏ ra cao thượng, thắc mắc làm gì cái cô Hoa hậu không nhãn mác, chấp gì!

Chẳng biết mẹ con Bồ Nông múa may thế nào ở trường, nhưng việc Bồ Nông về trường cũ để tri ân thầy cô đã được cả khu rừng biết đến.

Sau khi việc đi thăm thầy cô của Bồ Nông được đưa lên phương tiện thông tin, cả khu rừng lại xao xác lời bàn cãi. Người thì bảo Bồ Nông nay đã khác rồi, đã "già" hơn, chín chắn, biết tôn sư trọng đạo... Chưa dứt lời, khu rừng lại ào ào phản đối: chắc từ trước đến giờ không cần biết thầy cô là ai hay sao mà bây giờ có việc đi thăm thầy cô nhân ngày Nhà giáo cũng phải huyênh hoang là "trọng trách Hoa hậu", rồi thì còn bày đặt phát biểu, mà phát biểu gì nhỉ, nếu nhớ ơn thầy cô thì phải chú ý mà học cho tốt chứ, đằng này đã dốt lại còn cầm giấy lên phát biểu. Bài diễn văn Bồ Nông đọc tại trường Mầm Tươi do Chim Cú viết, Tắc Kè Hoa biên tập được đàn gà Nhiếp (không phải Nhép) vỗ tay nhiệt liệt. Vì tự thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, làm gì có con chim nào to thế đến thăm trường. Mỗi ngày Nhà giáo, chúng chỉ thấy Cô Chim Sẻ, thầy Sơn Ca lên phát biểu thôi, bây giờ lại có cả chị Hoa hậu, mà hoa hậu là gì nhỉ? Chỉ một số biết, còn một số thấy được nghỉ học ra sân chơi là hớn hở chạy theo... thấy chúng nó xin chữ kí cũng làm tờ giấy chìa ra cho giống người hâm mộ. Phát biểu xong, Bồ Nông cười thật tươi, tuyên bố sẽ tặng cho Trường một "quỹ học bổng", tính ra tương đương một bộ lông hàng hiệu. Đây là chiêu tiếp thị hình ảnh do Chim Cú bày ra, nhằm lăng xê Bồ Nông dưới hình ảnh Hoa Hậu làm từ thiện. Chim Cú (như người ta thường gọi là Cú Vọ), với cặp mắt tinh đời và công nghệ đi đêm chắc mẩm phen này hình ảnh của Bồ Nông sẽ nhanh chóng lên hạng, sánh ngang các Mĩ nhân Rừng Xanh tiền bối khác. Và với món tiền thưởng từ chương trình của Sư Tử, Bồ Nông cứ phân phát nhỏ lẻ làm nhiều lần cũng đủ để nổi tiếng về lòng nhân ái. Chim Cú ngồi ở một góc, cười thầm, lần này chắc lại kiếm thêm của gia đình Bồ Nông ít tiền nữa, để trả công cho tài thao lược của một con cú già đời.

Lại nói về Mẫu hậu Bồ Nông, nghề chính của bà là kinh doanh lông chim nhập khẩu từ khu rừng ô nhiễm bởi melamin, chì và phoocmon... và tương đối phát tài. Với nghề chính là tiểu thương, Mẫu hậu có tầm nhìn của một người kiếm tiền nhiều hơn là tu dưỡng. Thêm nữa, Bồ Nông là con gái bé bỏng, nên cần phải cưng chiều, che chở. Mẫu Hậu quyết chí rinh về một cái lồng sắt to, có trang hoàng bên ngoài bằng vô số hoa lá để ngụy trang cho Bồ Nông khi gặp đối thủ, kèm theo một cái quạt mo để dùng khi làm quân sư và che mặt cho Bồ Nông khi cần thiết. Tất cả mỗi bước đi của Bồ Nông đều có Mẫu Hậu đi cùng, để cho em vào lồng ngay khi bị ai đó chơi khó và lên tiếng tiếp thị hình ảnh con gái khi có cơ hội. Chính vì sự chăm sóc chu đáo này mà Bồ Nông, mặc dù đã hết tuổi bay chuyền, vẫn không bay bổng lên được, chỉ là là mặt đất và nếu cứ cất cánh định bay lên thì lại rơi bịch xuống đất, đau điếng, xấu hổ. Trong khi bao nhiêu bạn bè cùng lứa đã bay bổng từ lâu, đậu xuống được các miền đất xa xôi thì Hoa hậu vẫn chỉ quanh quẩn gần gần, để được Mẫu hậu che chở. Sự chở che bao bọc là tốt, nhưng cũng có cái phản tác dụng, vì Mẫu hậu trình độ cũng lùn, nên phát biểu lắm lúc hồ đồ, sai hết cả kịch bản do Chim Cú dàn dựng, và còn sáng tác thêm những tình tiết li kì khiến muôn loài đều phải buồn cười. Còn cố vấn Chim Cú đang đậu trong bụi rậm thì dù bực lắm nhưng vẫn phải cố làm ra vui vẻ để tiếp tục nhận thù lao từ công dàn dựng kịch bản.

Sau khi đến trường cũ, phát biểu xong được học sinh vỗ tay rầm rầm thì Bồ Nông khoái lắm. Bồ Nông chợt nhận ra bao nhiêu năm nay việc học hành của cô quả là phí tiền. Nếu từ nhỏ mà chuyên tâm vào việc học thì bây giờ vừa là Hoa hậu, vừa có tri thức. Mới chưa tốt nghiệp mà trẻ con đã hoan hô thế này, tốt nghiệp rồi thì chúng kính nể phải biết. Lúc đó có huyênh hoang bốc đồng cũng có ai biết mà ngờ. Thôi, cái số nó đen thì phải chấp nhận vậy! Năm nay là năm hạn, vừa thấy sao "cá rán" rơi vào mình chưa kịp mừng thì sao "quả tạ" lập tức chiếu mệnh! Thế nên mới gặp phải tay Gõ Kiến, chứ bao nhiêu ông nọ bà kia phất lên nhờ học vấn, cũng do Ma Cô giúp thì lại chẳng làm sao. Nhưng đúng là phục tài chèo chống của ngài Sư Tử, nếu ngài không đứng ra đỡ đòn, lại còn tuyên bố giữ cho cái vương miện trên đầu mình trước khi ngài hết hơi thì giờ này chắc mình phải đeo cái mo để ra đường cho đỡ ngượng. Nhưng mà chuyện nhỏ, thử nghiên cứu xem bao nhiêu giáo sư với tiến sĩ, thạc sĩ với cử nhân có gì khác thường nhỉ? À, hóa ra là họ đeo kính thôi mà, cái kính này hay phết, gọng thì đen, mắt thì trắng, lại rẻ bèo nữa. Thế mà ít người biết để đeo vào nhỉ! Quả này phải rinh về mấy cái, lúc nào gặp bọn khó chơi thì đeo vào chụp ảnh, để chúng thấy bằng chứng về cái gọi là Bác Học của Bồ Nông mà im mồm đi hết! Nói là làm, ngay hôm sau, đàn chim sẻ, chim ri đã nghiêng mình kính cẩn chào chị Bồ Nông bác học. Lại thêm Tắc Kè đi sau dẹp loạn, ai có ý chê bèn đem ngay cái bùa khắc chữ "chân thành", "thật thà" để trấn! Nhưng thật khó hiểu, sau khi đeo kính vào, giờ đây, tất cả mọi thứ lại rối tung lên, cái xa thành gần, cái gần thành xa khiến Bồ Nông nhầm hết. Giờ đây khi tự ngắm mình, Hoa Hậu thấy tay thì thật dài mà chân lại thật ngắn... Không biết tại mình hay tại kính, hay lại bị lừa nữa rồi, cái kính này là kính loại gì mà phản chủ dữ vậy. Bồ Nông lại cầu viện Chim Cú, còn Chim Cú giờ đây lại giở sách, xem ngày tốt, xem giờ đẹp để ra một chiêu khác, cao kiến hơn cả vụ Bồ Nông đeo kính!

Họa Mi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.